Vốn định thuật lại ngày hôm nay, nhưng tính ra hơi tiêu cực, mà dù sao cũng đã than vãn với một cơ số người rồi nên cũng vơi bớt phần nào. Cho nên chắc là mình lại lan man tý thôi vậy.
1.
Mình nhớ trong đơn xin học thạc sỹ ở Nhật, có một câu là vì sao mày chọn du học ở Nhật Bản, mình đã trả lời dài ngoằng ngoằng xong chốt lại là tao rất muốn làm cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, giới thiệu văn hoá Việt Nam cho người Nhật Bản để mọi người có thể hiểu nhau hơn, góp phần xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn.
Nghe sáo rỗng nhỉ ahihi.
Nhưng mà khi đó mình tin như vậy. Phần nhiều là do thời gian tuyệt vời với AIESEC vẫn đọng lại trong mình, nên mình vẫn ôm ấp ước mơ vĩ đại như thế. Chính điều này làm mình khổ sở kha khá trong quãng thời gian mới sang Nhật, khi mà mọi thứ đều quá mới làm mình bị khớp: ngôn ngữ, cách học, bạn bè xung quanh. Thế rồi mình nhận ra mình là một con người rất là… theo chủ nghĩa dân tộc (nationalist). Mình đã xấu hổ vì là đứa Việt Nam hiếm hoi trong lớp, nhưng lại học ngu. Mình đã xấu hổ vì mình không thể làm một đại diện tốt cho Việt Nam.
Cho đến khi mình đọc được bài blog này. Khi đó mình không rõ tác giả là ai, mình cũng không quan tâm nhiều, nhưng bài này, ồ, một cú bắn thẳng vào trái tim con người nationalist này.
“Dân tộc sẽ bay cùng em nếu em quên dân tộc đi.”
Thế là mình lại là mình, lại cố gắng làm theo sức của mình, nhưng khi mình làm cái gì, thì trên hết mình là Châu đã.
2.
Mỗi khi ứng tuyển các vị trí dạy tiếng Việt, mình đều nói lại câu mình viết khi nộp đơn xin học thạc sỹ, tôi muốn đóng góp cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt-Nhật, tôi muốn giới thiệu văn hoá Việt Nam tới người Nhật.
Và sau nhiều năm, thì thêm một câu, tôi muốn người Nhật cũng biết rằng người Việt Nam không phải ai cũng xấu, ai cũng phạm tội.
Kể từ khi mình bắt đầu sang Nhật năm 2014, người Việt Nam ở Nhật ngày càng tăng, kéo theo tỷ lệ tội phạm người Việt Nam ở Nhật tăng dần hàng năm, và tăng tới mức đứng nhất nhì trong số tội phạm người nước ngoài. Khoảng 2-3 năm gần đây, hầu như ngày nào cũng có tin tức người Việt Nam phạm tội, khi thì ăn cắp, khi thì ẩu đả đánh nhau, khi thì giết người giấu xác. Thậm chí phần bình luận dưới các phóng sự trộm táo trộm lợn đầy những bình luận “chắc chắn là người Việt Nam”, “lại là người Việt Nam thôi”.
Trước đây, mình giới thiệu mình là người Việt Nam, người Nhật sẽ ồ lên khen người Việt Nam chăm chỉ, tốt bụng, đất nước Việt Nam xinh đẹp kiên cường. Giờ thì họ cười và không nói gì cả. Đi thuê nhà hiện tại cũng rất khó nếu là người Việt Nam, vì “danh tiếng” phạm tội rồi “danh tiếng” thuê nhà khi thì trả chậm tiền nhà khi thì ở như phá nhà lại còn không tuân thủ hợp đồng. Ừ, giờ có người lạ vào nhà mình, không làm theo quy định trong nhà mà đập phá trộm cắp thì ai mà vui cho nổi.
Lướt trên mạng, các bạn Việt Nam hay bình luận dưới các tin về tội phạm người Việt Nam là “nhục nhã”, “nhục quốc thể”, vân vân.
Mình có nhục không vì bị đối xử bất công chỉ vì là người Việt Nam?
Mình không nhục, nhưng mình buồn lắm.
Nhiều người bảo buồn làm gì, có liên quan gì đến mình đâu.
Ồ, liên quan chứ. Đầu tiên thì liên quan trực tiếp đến lợi ích của bản thân mình: ăn ở, học hành, công việc, ít nhiều đều bị ảnh hưởng – đây là “social capital”, “vốn xã hội” mà tự nhiên mình bị tước đi vô lý.
Nhưng hơn hết thì mình buồn vì những định kiến của người Nhật dành cho những người Việt Nam khác, cũng như cách người Nhật nhìn nhận những người Việt Nam phạm tội. Tội phạm không bao giờ có thể dung tha, nhưng lại cần nhiều vị tha và thấu hiểu. Mình buồn lắm.
3.
Mình đã nghĩ một lúc xem nên viết gì tiếp. Nói về “đồng bào” đi.
Có lẽ hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng đã ngấm vào máu mình từ khi thơ bé, được nuôi dưỡng từ những câu chuyện của ông, của mẹ về những cuộc chiến đấu vì Tổ Quốc. “Đồng bào” là một từ chỉ có nghĩa trong tiếng Việt, là từ Hán Việt, có nghĩa là “chung một bọc” – bọc trăm trứng của Âu Cơ. Có một bài đọc tên là “Lòng yêu nước nồng nàn” mà mình nhớ mãi nhớ mãi đến tầm đại học mới quên một chút. Đấy là bài mình rất thích khi còn nhỏ, bên cạnh “5 điều Bác Hồ dạy”. (Mình biết, mình là đứa bé Cộng Sản :v)
Sau này mình nhận ra “đồng bào” là khái niệm khá là mới, ít nhất là mới phổ biến, rất có thể được sử dụng để, ờm, đoàn kết đất nước.
Dù sao thì đó cũng là một khái niệm rất hay, rất hợp ý một người nationalist như mình.
4.
Đồng bào ở Nhật có muôn hình vạn trạng. Không phải ai mình cũng muốn nhận là “đồng bào”, có mấy người chỉ muốn, nói vui là “lạc loài”, “nhận nuôi”. Nhưng chung quy lại, những đồng bào “nhận nuôi” đó, đa phần cũng chỉ là nạn nhân.
Các công ty môi giới hứa hẹn mức lương cao ở Nhật, một tháng gửi về mấy chục triệu, công việc nhẹ nhàng các thứ các kiểu. Đồng bào nghèo quá, đồng bào không có thông tin, đồng bào tin. Đồng bào vay tiền cả mấy trăm triệu, ôm giấc mơ đổi đời sang Nhật. Đồng bào không biết tiếng Nhật, không có nhiều việc làm, lương ít, sống vất vả. Đồng bào bỏ trốn để kiếm tiền trả nợ và gửi tiền về cho gia đình.
Tiếng lóng của cộng đồng người Việt bên Nhật gọi những người cư trú bất hợp pháp là “bộ đội”. Có những người rồi sẽ tham gia vào các tổ chức tội phạm, cũng có những người chỉ cố gắng kiếm đủ tiền rồi sẽ ra đầu thú để về nước.
Nhìn chung, thì đồng bào cũng chẳng sướng lắm. Trốn chui trốn lủi, lương lại còn thấp hơn mà làm việc nhiều hơn (vì chủ thuê nắm thóp), thì chả bao giờ vui.
(Tất nhiên cũng có những kẻ có ý đồ phạm tội có tổ chức thật, cũng có những kẻ phát điên đâm chém đồng nghiệp đồng hương, lại còn có những kẻ ăn cắp trái cây của các cụ già, lại còn đập phá của người ta. Bọn này, thôi không thèm gọi là “đồng bào”, ở đây chúng tôi chả có cái trứng ung nào như thế cả.)
5.
Gần đây mình có cơ hội được dạy tiếng Việt cho một số bạn trẻ người Nhật làm việc tiếp xúc nhiều với tội phạm người Việt. Nhưng mà cho đến tận hôm nay, mình mới thực sự nhận ra là mình đã may mắn như thế nào khi có cơ hội này, và được gặp các bạn học viên này.
Các bạn không chỉ nhìn thấy vấn đề ngày càng có nhiều tội phạm người Việt Nam, mà các bạn còn thấu hiểu, còn cảm thông, còn nhìn thấy lý do cả vi mô và vĩ mô của vấn đề này. Các bạn muốn học tiếng Việt để giúp đỡ người Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là làm cho xong công việc phiên dịch.
Mình đã không nghĩ là điều này quan trọng đến thế, mình đã nghĩ đó là điều đương nhiên.
Vì mình đã suy nghĩ với tư cách là người Việt Nam, mình đã coi việc đối xử với “đồng bào” một cách bao dung là đương nhiên. Mình đã không nhận ra rằng họ là đồng bào của mình, không phải là của người Nhật. Người Nhật không cần phải giúp đỡ, bao dung, cảm thông cho những người đến phá nhà của họ.
Nhưng học viên của mình làm được, và làm tốt.
Mình đã rất may mắn.
6.
Với mình, ngôn ngữ là văn hóa. Muốn học tốt ngôn ngữ thì phải hiểu văn hóa cấu thành và sử dụng ngôn ngữ đó.
Mình hoàn toàn không đồng tình với những kiểu dạy ngôn ngữ mà không có yếu tốvăn hóa, như thể dạy ngôn ngữ lập trình, để rồi có những học viên là cái máy, là rô-bốt, đúng bài thì tuôn ra lệch bài thì chết cha. Mình thích là người vừa dạy ngôn ngữ vừa chia sẻ được văn hóa của ngôn ngữ đó, dù đấy là tiếng Anh, tiếng Nhật hay đặc biệt là tiếng Việt. Giáo viên là cầu nối tốt nhất giữa người học và văn hóa đấy, nếu không thể thấy hiểu và trân trọng chính văn hóa của ngôn ngữ mình dạy, thì cũng chỉ là cái máy không hơn.
Hôm nay mình đã rất buồn, nhưng lại cảm thấy rất may mắn.
Để kết lại, xin mượn một câu của em đồng nghiệp, đó là dù có được khen tiếng Nhật giỏi như người Nhật đến đâu, giống người Nhật như thế nào, thì mình vẫn luôn khẳng định mình là người Việt Nam.
Xin bổ sung thêm, là một người Việt Nam yêu nước.
Đọc xong bài chị em cũng phải tự nhắc: Ừ mình cũng là người Việt Nam 🥰
LikeLike