Bác Mari đưa đi xem trà đạo.

Tiêu đề của bài này vốn là đi ‘học’ trà đạo, cơ mà tự thấy chỉ có đến ăn đến uống đến nhặt đồ mang về chứ không thấy học được cái gì, nên thôi đành đổi tựa một chút.

Trước hết xin giới thiệu bác Mari, một người mà tuổi thì ‘bà già’ nhưng nếu dùng danh xưng này với bác thì thật là hổ thẹn với chính bản thân, khi mà bác còn năng động và khỏe khoắn hơn cả cô gái U30 được bác cưu mang. Bác Mari là bạn của sếp cũ của Munmun, trước khi bác sếp cũ công tác ra ngoài Nhật, bác đã gửi gắm Munmun cho bác Mari, vì nhà bác Mari khá gần nhà chúng mình, đồng thời cũng vì Munmun với tính cách tung tẩy của mình khá là đáng lo. Bác Mari đã xx tuổi, nói chung là rất nhiều (vì cháu bác đã học cấp 2) nhưng vì lịch sự nên mình sẽ không tiết lộ số tuổi (vì cũng không biết – nhưng mà cũng không sao). Tuy vậy, bác và bác trai vẫn cực kỳ năng động, thường xuyên tham gia các hoạt động, lại còn học hành các thứ mới cho cuộc sống hay ho hơn. Nhìn chung, bác chính là hình tượng mà khi về già mình muốn hướng tới.

Lần này hưởng phúc của Munmun mà được bám càng bác Mari đến một buổi học trà đạo. Buổi học diễn ra ở trung tâm Life-long Learning của quận, thường tổ chức các khóa học cho các cụ hưu trí. Không khí rất thân thiện, mọi người đều mặc thường phục, và toàn các bác sàn sàn tuổi bác Mari, đều đến học từ một sensei trà đạo cũng tầm tuổi đó, nói chung như một buổi tụ tập nói chuyện của bà nội bà ngoại vậy. Theo như lời bác Mari nói với Munmun là dù bác đã theo lớp này cả chục năm nay, bác vẫn là người-mới…

Sau đây là trải nghiệm của Châu ở lớp học này.

Buổi tập nghi thức trà đạo đương nhiên diễn ra ở một phòng kiểu Nhật washitsu 和室, là kiểu phòng cửa kéo, tường gỗ có cửa sổ dán giấy và trải chiếu cói tatami 畳. Khi bước vào phải bỏ giầy, và phải đi tất trắng. Mỗi người đều chuẩn bị một bộ dụng cụ riêng, gồm có quạt giấy gấp nhỏ (không dùng để quạt), giấy dùng để đựng điểm tâm (giấy thường và giấy tráng dầu cho điểm tâm ướt), và dĩa ăn điểm tâm; tất cả đựng trong một túi nhỏ cu-te xinh đẹp đúng kiểu Nhật.

Bộ đồ dùng cá nhân
Bộ đồ dùng cá nhân gồm giấy đựng điểm tâm, nĩa và quạt nhỏ. Hai khối điểm tâm phía trên hơi giống bánh quế của mình.

Trước khi bắt đầu nghi thức, có vẻ như sẽ phải tới trước tấm tranh trang trí và bình hoa để chào hỏi – aisatsu 挨拶. Tranh và hoa thay đổi theo mùa, hiện đang là mùa hè tháng Bảy của lễ Thất Tịch 7/7 – Tanabata 七夕 (ngày Ngưu Lang Chức Nữ) nên tranh hình dưa hấu, loại hoa quả đặc trưng cho mùa cùng với dòng thơ có liên quan đến ngày này.

Tranh chữ và hoa theo mùa
Tranh chữ và hoa theo mùa. Đừng hỏi chữ trên tranh nghĩa là gì, mình không biết đâu =))

Để chào hỏi, người ta sẽ đặt quạt nhỏ trước mặt, cán quạt ở bên phải (tay thuận), quỳ xuống và cúi chào.

Thông thường, phòng trà đạo chỉ rộng khoảng 4 chiếu (khoảng 6.5m2) dành cho 4-5 khách. Trước khi vào phòng, phải quỳ xuống chào và lết về phía chỗ ngồi (vừa quỳ vừa chống tay để di chuyển). Khách ngồi vòng quanh, và người ngồi gần nơi để bếp trà nhất là người có vai vế cao nhất trong phòng. Khi khách đã ổn định, chủ nhà/người pha trà sẽ lần lượt mang điểm tâm, bài hoa và thuốc lá (theo truyền thống) tới cho khách có vai vế cao nhất. Người này sẽ thay mặt nhận và để bên cạnh.

Sau đó, người pha trà sẽ mang trà cụ vào bếp trà. Trà cụ gồm có những thứ các bạn có thể google, tuy vậy mình thấy so với mấy dụng cụ phổ biến còn có cái để gác thìa rất xinh đẹp nữa.

Thông thường, bếp trà cổ truyền là dùng than củi để giữ nước nóng, tuy vậy hiện nay đã được thay bằng bếp điện.

Bếp trà

Buổi trà hôm nay chỉ dùng một chén uống trà, mọi người dùng chung (ai nói người Nhật cuồng sạch sẽ vậy?!). Người pha trà sẽ làm một nghìn năm trăm các động tác pha trà phức tạp, rất có quy tắc như sau khi đổ trà vào chén phải gõ thìa mấy cái hay nước phải lấy đầy vá nhưng chỉ dùng một nửa abc xyz. Trong lúc chờ pha trà, điểm tâm sẽ được truyền từ người có vai vế cao nhất. Khi đĩa điểm tâm chuyển tới bạn, bạn sẽ cúi chào người đưa cho bạn. Mỗi người sẽ lấy một khối điểm tâm đặt tên tấm giấy chuẩn bị từ trước. Bạn cũng sẽ cúi chào người sau bạn và nói osaki ni お先に – xin phép dùng trước. Đồng thời, lúc này là lúc phát một loại thẻ bài hoa, dùng để phân định xem ai sẽ uống trà trước hay sau.

Bài hoa mười loại
Bài hoa mười loại (đương nhiên là) có 10 loại hoa và cây cối, trong đó chia ra các mục đích khác nhau ở mặt sau thẻ.

Loại thẻ này giống như một cách rút thăm, dùng cho nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Buổi uống trà hôm nay dùng hai set thẻ, một mặt có chữ khách 客 hoặc nhất 一 và một mặt hình các loại cây cối hoa lá. Bấy nhiêu người thì sử dụng bấy nhiêu thẻ. Thẻ được cho vào một hộp giấy gấp, mặt hoa úp xuống; khách chọn cho mình thẻ bài có chữ khách 客 và ghi nhớ loại hoa ở mặt sau mà mình nhận được. Thẻ bài được đặt trước mặt lệch về phía bên phải, cách mép chiếu một khoảng nhất định cỡ hai đốt tay, và sao cho lúc đứng dậy bước về phía trước sẽ không bị va vào.

Khi trà được pha xong, người cầm hộp thẻ bài (hiện chỉ còn set chữ nhất 一) sẽ đảo bốn lần theo chiều kim đồng hồ và chọn ngẫu nhiên một tấm. Người cầm hộp sẽ gọi tên loại hoa trên thẻ, ứng với chủ nhân của tấm thẻ khách 客 nào thì người đó sẽ đáp lời và tiến lên nhận trà. Nhất định phải cầm chén trà lên bằng tay phải. Khi trở về chỗ ngồi, chuyển chén trà qua tay trái và xoay nhẹ chén hai lần, mỗi lần khoảng 45 độ. Uống trà tới hết. Không thấy có quy định về số lần nhấp môi, nhưng hiển nhiên tu hết trong một ngụm là không được rồi =)).

Sau khi uống hết chén trà, dùng tay lau đi nơi miệng chạm vào tách trà. Xoay chén hai lần và bước tới trả chén cho người pha, phần mình uống trà (rất dễ nhận biết vì vệt trà xanh) quay về phía mình.

Thẻ bài của người uống xong trà sẽ được di chuyển tới gần mép chiếu một đốt ngón tay và để ngửa mặt hoa lên trên.

Người pha trà sẽ dùng nước sôi tráng chén, sau đó dùng khăn lau. Cách giũ gấp vắt khăn cũng có quy tắc cả, nhìn mà hoa hết cả mắt. Các bác các bà cũng rất khó khăn trong việc nhớ và làm theo các quy tắc này. Sau đó lặp lại cách bước pha trà.

Trong lúc này, người ta sẽ mời thuốc lá (loại lá dùng để hút tẩu). Bạn có thể hút, hoặc không, còn Châu muốn hút cũng không được vì các bác đã dùng một hộp giấy ăn để đại diện cho khay thuốc lá =))

Buổi lễ tiếp tục cho đến khi tất cả mọi người đều uống xong trà.

Lúc này các thẻ bài hoa sẽ được thu lại.

Xin lưu ý là mọi thứ diễn ra rất chậm, rấttttt chậmmmmmm; bởi vì tất cả các hành động đều làm tuần tự và từng-thứ-một; chẳng hạn như bạn nhận hộp, đặt xuống, lấy một thứ trong hộp, cầm lên,  chuyển tay, chuyển cho người bên cạnh. Nếu các đồ vật phân biệt mặt (hướng mở, hoa văn vân vân), thì luôn xoay đồ vật theo mỗi 90 độ sao cho người nhận nhận được đúng chiều thuận với mình. Đây chính xác là một sự tra tấn với một thần dân của vương quốc ào ào rồ dại như mình.

Buổi trà tiếp tục với người pha trà khác và loại trà khác đậm hơn: koicha 濃茶. Lần này Châu được khuyên là nên ăn điểm tâm vì trà đậm sẽ đắng hơn. Với trà này, người pha sẽ pha một chén nhiều hơn bình thường vì đây là phần của tất cả mọi người. ĐÚNG VẬY, mọi người sẽ chuyền tay nhau uống chung một chén trà! (Ai nói với tôi người Nhật sợ bẩn vậy?!)

Trà được chuyền từ người có vai vế cao nhất tới cuối cùng. Sau khi uống xong phần của mình (tất nhiên là vẫn một loại động tác xoay bánh nếm kem, à nhầm xoay chén nếm trà), dùng giấy chuẩn bị sẵn (chung loại giấy gói điểm tâm) để lau sạch miệng chén. Trong khi mọi người thưởng trà, theo lệ, khách sẽ hỏi han về loại trà cũng như bình đựng trà.

Tương truyền, ngày xửa ngày xưa mấy cái bình đựng trà bé bằng nắm tay thôi cũng có giá trị bằng cả một-tòa-thành, vì vậy rất đáng thưởng thức. Bình trà, bao gồm cả túi gấm bọc ngoài và que múc trà sẽ được chuyền quanh để mọi người thưởng lãm. Bạn phải để bình trà trước mặt và cúi xuống để xem, đừng quên mở nắp ra ngắm vì ngày xưa cái nắp phải làm bằng vàng để phòng độc =)) Châu đã hỏi có thể cầm lên xem được không, các bác lập tức can ngăn là thứ-có-giá-trị-ngang-một-tòa-thành chỉ có một, cầm lên dễ vỡ nha dễ vỡ nha. Đến cái túi gấm cũng phải đặt xuống tầm thấp và cúi xuống xem.

Hộp đựng trà
Đây chính là những hộp trà đáng lẽ là khảm ngọc nạm vàng có giá trị liên thành =))

Buổi trà nghe đồn còn tiếp tục thêm vài turn, nhưng Châu phải đi học nên đã xin phép về sớm, tuy vậy vẫn được các bác dúi cho ba bốn cái điểm tâm để đi học cho no. Cảm ơn các bác hihi.

Kết:

Chưa bao giờ tham gia một buổi trà đạo nào nên cảm thấy buổi hôm nay hay dã man. Tuy không bác nào mặc kimono nhưng không vì thế mà mất đi cái đẹp của trà đạo. Có tham dự một buổi trà đạo mới thấy người Nhật cổ sống rất chậm, rất tĩnh và thưởng thức từng giây phút từng biến chuyển tinh tế của tự nhiên, nói nôm là chờ 1500 phút nhìn các bác đi 1500 chuyến mang từng-thứ-một vào (trong khi hoàn toàn có thể đi bằng một chuyến) quỳ tê cả chân thì mới được uống trà.

Châu Cao thực sự không có tiền đồ, quỳ được 10 phút đã mặt mày thảm hại nên được các bác đặc cách cho ngồi ghế =)) thế là tui ngồi ghế trong khi các bác vẫn quỳ ngay ngắn, thực sự cảm thấy hổ thẹn.

Trà ngon dã man, shame on every commercial green tea out there, đặc biệt là koicha thì đắng nhưng sánh như kem, fiu-linh đắt…

Lần sau nếu có dịp, nhất định bám càng bác Mari đi tiếp!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s